Có độ cao từ 800-1.000m so với mực nước biển, huyện Vân Hồ có khí hậu mát mẻ, độ ẩm lớn, đất đai màu mỡ, là điều kiện thích hợp để phát triển các loại cây trồng, đặc biệt là rau trái vụ.
Nông dân xã Vân Hồ phát triển trồng rau làm hàng hóa.
Phát huy lợi thế đó, huyện khuyến khích bà con phát triển các mô hình trồng rau theo hướng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời, kết nối với huyện Mộc Châu hình thành các khu cung cấp rau an toàn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, toàn huyện có khoảng 200 ha đất sản xuất có thể trồng rau tập trung tại các xã: Vân Hồ, Chiềng Yên, Chiềng Khoa, Tô Múa và Xuân Nha. Ngoài tuyến quốc lộ 6 chạy dọc qua địa bàn huyện, đường giao thông vào các xã này đều đã được rải nhựa, thuận tiện đi lại, tạo điều kiện tốt cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Phần lớn diện tích đất có thể trồng rau tập trung đều là các chân ruộng. Trong khi đó, hệ thống các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo đủ cung cấp nước tưới tiêu cho các vụ lúa và cả vụ màu vào mùa đông.
Với mục tiêu tập trung phát triển vùng rau an toàn, năm 2014, huyện Vân Hồ đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển cây dược liệu và rau, hoa tập trung trên địa bàn huyện, phối hợp với Ban Quản lý Dự án AGB/2009/053 (do tổ chức ACIAR tài trợ) triển khai nội dung “Cải thiện liên kết giữa thị trường và người sản xuất rau trái vụ vùng Tây Bắc Việt Nam”. Qua đó, vận động nông dân liên kết, xây dựng các nhóm, tổ hợp tác trồng rau theo hướng sản xuất rau an toàn, rau trái vụ dưới sự hướng dẫn của cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, cán bộ Dự án và giới thiệu các cá nhân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã tổ chức quy hoạch vùng trồng rau tại một số xã cùng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 1 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác trồng rau an toàn tại xã Vân Hồ và Tô Múa. Các thành viên tham gia được Dự án tập huấn, hướng dẫn hoạt động nhóm và tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất rau an toàn, kết nối thị trường tiêu thụ với sản phẩm rau an toàn của huyện Mộc Châu. Riêng Hợp tác xã rau an toàn Vân Hồ đã thu hút 18 thành viên tham gia, đăng ký sản xuất rau an toàn trên diện tích 5 ha, trồng và cung cấp ra thị trường các sản phẩm như: rau ăn lá (cải bắp, cải bẹ, cải mơ, cải chíp, cải mèo...), các loại đậu, cải củ, ớt... Sản lượng đạt trên 40 tấn/ha, giá trị thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó, hằng năm, huyện còn duy trì trên 180 ha trồng các loại rau như: rau cải, bí xanh, bí đỏ, su su... đạt năng suất và sản lượng lớn. Nếu những diện tích này được tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, có định hướng phát triển bền vững, sẽ đảm bảo ổn định về đầu ra và giá cả sản phẩm, tạo thu nhập và sự an tâm cho nông dân.
Hiện, đã có một số tổ chức, doanh nghiệp đến khảo sát các địa điểm tại Vân Hồ để xây dựng các dự án trồng rau an toàn quy mô lớn trên địa bàn. Huyện cũng đề ra các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư trồng rau an toàn theo quy hoạch; vận động người dân chuyển đổi diện tích ruộng một vụ sang trồng rau theo hướng tập trung, sản xuất rau an toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Xây dựng các phương án hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật, xây dựng các cơ sở vật chất cho các tổ, nhóm trồng rau an toàn. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện phát triển vùng trồng rau an toàn tập trung đạt 200 ha tại các xã dọc quốc lộ 6 và vùng phụ cận. Cùng với đó, tranh thủ sự giúp đỡ của Dự án và huyện Mộc Châu về kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm để từng bước xây dựng nhãn hiệu rau an toàn Vân Hồ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!