Mô hình nuôi ong rừng ở Co Mạ

Được tập huấn về kỹ thuật của Ban Quản lý dự án giảm nghèo huyện, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Co Mạ (Thuận Châu) đã biết chăm sóc và nuôi đàn ong rừng lấy mật, đem lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Mô hình nuôi ong rừng của gia đình anh Vừ Xuân Thành, bản Pha Khuông, xã Co Mạ

Đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình anh Vừ Xuân Thành, bản Pha Khuông, là một trong những hộ tham gia nuôi ong rừng lấy mật. Anh cho biết, hiện gia đình anh có 8 đàn ong, mỗi năm cho thu mật 2 lần, trung bình mỗi đàn được từ 3-5 kg mật. Nuôi ong cũng không quá phức tạp và công sức chăm sóc nếu như hiểu được tập tính sinh sống của loài ong. Anh cũng cho biết thêm, trước kia chỉ trông vào thu nhập từ ruộng, nương cũng chỉ đủ ăn, từ khi nuôi ong, kinh tế gia đình đã phát triển rõ rệt, thu nhập cao hơn.

Tìm hiểu được biết, chương trình nuôi ong rừng ở xã Co Mạ nằm trong chương trình “Liên kết đối tác phát triển và tiêu thụ sản phẩm mật ong rừng tại các xã trên địa bàn Thuận Châu” do Ban Quản lý dự án giảm nghèo giai đoạn II của huyện thực hiện. Xã Co Mạ có 86 hộ ở 4 bản Pha Khuông, Xá Nhá B, Hua Ty, Nong Vai tham gia chương trình với 344 thùng ong. Thùng ong là những thân cây gỗ giống được cắt ra, bịt chặt hai đầu. Khi thu hoạch chỉ mở một đầu, thu và bán cả sáp lẫn mật. Đàn ong sẽ tiếp tục làm lại sáp mới như điều kiện sống trong tự nhiên.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giảm nghèo huyện, cho biết: Ban Quản lý dự án giảm nghèo huyện đã ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên 2368 tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho các nhóm. Sau khi được tập huấn nuôi ong, Ban Quản lý phối hợp với khảo sát tìm mua con giống đảm bảo chất lượng, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn và chăm sóc và nuôi dưỡng đàn ong. Sau khi cung ứng giống, đến nay liên kết đã có sản phẩm, giá thu mua cho các nhóm 145.000/kg mật ong nước (1 lít mật ong = 1,3- 1,5 kg).

Co Mạ có 21 bản, với 3 dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với 964 hộ, 5.419 khẩu, dân tộc Thái 188 hộ, 975 khẩu, dân tộc Khơ Mú 29 hộ, 160 khẩu. Co Mạ có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế rừng kết hợp với nuôi ong. Vì vậy, để duy trì, phát triển và nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn về việc đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật cho bà con nhân dân; đồng thời, phổ biến kiến thức về khoa học, kỹ thuật giúp cho các hộ gia đình nắm rõ các quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc ong, nâng cao sản lượng và chất lượng của các đàn ong. Ngoài ra, cần có những chính sách, chương trình quảng bá về các sản phẩm từ ong, tạo thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Co Mạ ngoài lợi ích về kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong thời gian nhàn rỗi, còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho các loại cây trồng, góp phần tăng năng suất, chất lượng mùa màng. Cũng vì vậy, rất nhiều hộ gia đình đã kết hợp mô hình nuôi ong với trồng các loại cây ăn quả mà chủ yếu là cây sơn tra để giữ đất và bảo vệ rừng. Mô hình này cũng cần được phân tích, nghiên cứu để nhân rộng cho các xã, bản vùng cao trên địa huyện Thuận Châu nói riêng, các huyện trong tỉnh nói chung.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới